Như mọi khoa học khác, Lượng giác phát sinh từ nhu cầu của đời sống: Ngành Hàng hải đòi hỏi phải biết xác định vị trí của tàu bè ngoài biển khơi, vị trí của các hành tinh, của các vì sao; cuộc sống xã hội với các hoạt động sản xuất đòi hỏi đo đạc ruộng đất, thiết lập bản đồ…
Các nhu cầu đó làm cho môn Lượng giác phát sinh và phát triển. Thời cổ, các nhà toán học Hi Lạp đã góp phần đáng kể vào việc phát triển môn Lượng giác.
Lê-ô-na Ơ-le là người đã xây dựng lí thuyết sâu sắc về lượng giác trong cuốn “Mở đầu về giải tích các đại lượng vô cùng bé” xuất bản năm 1748. Trong công trình đó, Ơ-le đã đề cập khái niệm radian, nhưng từ “radian” (gắn với từ “radius” có nghĩa là bán kính) mãi đến năm 1873 mới được dùng chính thức lần đầu tiên ở Đại học Ben-phát (Belfast), Bắc Ai-len. Ơ-le là một trong những nhà toán học lớn nhất từ xưa tới nay. Ông sinh tại Ba-lơ, Thụy sĩ. Ông đã tiến hành nghiên cứu nhiều đề tài khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ học, âm nhạc, thiên văn,… Hầu hết mọi ngành toán học đều mang dấu ấn các kết quả nghiên cứu của ông. Ơ-le là người say mê, cần cù trong công việc. Cuối đời, dù bị mù cả hai mắt, ông vẫn tiếp tục hoạt động sáng tạo. Trong cuộc đời mình, Ơ-le đã viết trên 800 công trình khoa học. Số công trình của ông ít ai sánh kịp. Tên của Ơ-le được đặt cho một miệng núi lửa ở phần trông thấy được của mặt trăng